Đánh giá Zidoo X20 Pro - Giết gà liệu có cần dao mổ trâu? (Phần 1)

Thứ Sat,
12/01/2019
Đăng bởi Trần Anh Tuấn

Bài viết liên quan

Trong thị trường thiết bị phát hiện nay nói chung, phần lớn các đầu phát đều sử dụng hệ điều hành Android. Ưu điểm của các đầu phát này là giá rẻ và hỗ trợ nhiều ứng dụng, tuy nhiên chất lượng âm thanh và hình ảnh chưa đáp ứng được thỏa mãn được những người sành chơi. Hãy cùng chúng tôi đánh giá Zidoo X20 Pro – đầu Karaoke Android cao cấp dành cho gia đình.

PHẦN 1 – TỔNG QUAN VỀ THIẾT KẾ VÀ PHẦN CỨNG CỦA ZIDOO X20 PRO

5 – 7 năm trước là lúc mà các thiết bị HD Player làm mưa làm gió nhưng tại thời điểm hiện tại, số lượng TV thông minh có tích hợp internet đã quá quen thuộc, người dùng dễ dàng tìm kiếm và phát lại mọi thứ qua mạng như xem truyền hình, nghe nhạc, xem phim, hài kịch, thậm chí là hát Karaoke, mà chẳng cần mua thêm bất kỳ thiết bị nào khác. Nếu như bạn đang sở hữu TV đời cũ thì cũng không cần lo lắng khi 1 hộp TV Box giá chỉ 5-700 ngàn đồng sẽ biến TV của bạn thành Smart TV, với tính năng gần như tương tự. Vậy, trong bối cảnh này, Zidoo X20 Pro xuất hiện, với mức giá khoảng gần 19 triệu, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu ca hát, thưởng thức âm thanh hình ảnh chất lượng tốt nhất của 1 lớp khách hàng riêng. Liệu, Zidoo X20 Pro có xứng đáng ? Chúng ta sẽ được biết ngay sau đây.

THIẾT KẾ TỔNG QUAN

Với phong cách thường gặp trên những thiết bị cao cấp, Zidoo X20 Pro được bọc bởi 2 lớp thùng catton và 1 lớp xốp bảo vệ, mục đích làm cho việc đóng gói và vận chuyển dễ dàng hơn.

Thùng catton 2 lớp.

Đầy đủ các thông số, mã vạch in trên hộp.

Toàn bộ trong hộp.

Điều khiển của máy tương đối lớn, các phím bấm được in ấn sắc nét, độ đàn hồi cao. Sử dụng 3 pin AAA dạng nhỏ, điều khiển từ xa của Zidoo X20 Pro được trang bị thêm đèn nền dưới phím, giúp thao tác trong bóng tối dễ dàng hơn.

Từ trái qua phải lần lượt là điều khiển từ xa của Zdioo X20 Pro - Egreat A11 - Arirang Smart K+ - Egreat A10 - HomeKara EVO - Egreat A8 - Himedia Q30/Q5 Pro/Q1 Pro - Lemon KTV 8866

Và đây là nhân vật chính của chúng ta – đầu  máy Zidoo X20 Pro, kèm tất cả phụ kiện:


2 anten, 1 dây nguồn, 1 cáp HDMI và 1 điều khiển từ xa.

Trong phân khúc cao cấp, chất lượng của sản phẩm được phản ánh phần nào thông qua hình thức bên ngoài. Kích cỡ của máy khá lớn với chiều dài 43cm. Theo như công bố của nhà sản xuất, máy được chế tạo bởi vật liệu gọi là “nhôm hàng không” (Space Aluminium). Thực tế cảm nhận thì vỏ máy có độ hoàn thiện cao. Máy sử dụng tông màu đen nhám, dễ dàng phối hợp với các thiết bị Hi-Fi trong nhà.

Mặt trước có 2 khay ổ cứng kéo ra dạng Hot-Swap, màn hình LED, 2 cổng USB 2.0 và nút nguồn. 2 khay ổ cứng SATA được thiết kế hoàn toàn độc lập, có thể gắn được 2 ổ cứng 3.5" cùng lúc, hỗ trợ dung lượng lên tới 14TB. Không chỉ là cơ chế đơn giản, Zidoo X20 Pro cho phép tùy chỉnh thời gian hoạt động của ổ cứng thông qua phần mềm, có thể tắt khi không hoạt động 10/30/60 phút với tùy chọn standby HDD, nhằm bảo vệ tuổi thọ cho ổ cứng.

Màn hình LED phía trước của Zidoo X20 Pro có thể hiển thị các biểu tượng như WiFi, mạng LAN, thiết bị truy cập (HDD, USB) và hiển thị độ phân giải, HDR, tạm dừng, phát, ... theo thời gian thực tùy theo cách sử dụng. Hầu hết không gian hiển thị được sử dụng để hiển thị thời gian trong 2 chế độ là MOVIE và MUSIC. Chúng ta có thể tùy chọn hiển thị thời gian phát, thời gian còn lại, hoặc đồng hồ trong cài đặt hệ thống nếu cần. Màn hình LED hiển thị rất tinh tế, cung cấp 3 tùy chòn cài đặt trạng thái là sáng, tối, và tắt hẳn. Điều này khiến cho bạn có thể xem phim mà không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng của mặt LED, mang lại trải nghiệm tốt hơn. Nói chung, Zidoo X20 Pro khá toàn diện trong việc mang tới 1 trải nghiệm người dùng cao cấp.

Có một điểm mà mình chưa thực sự hài lòng về thiết kế của Zidoo X20 Pro, đó là 2 khay ổ cứng SATA được thiết kế lộ thiên mà không có thêm bất kỳ tấm chắn nào phía trước. So sánh với các mẫu đầu cao cấp khác như Egreat A11 hay Dune Duo 4K, thì đây là 1 điểm trừ về mặt thẩm mỹ. Đổi lại, chúng ta có khả năng tháo lắp linh hoạt kèm 2 kết nối USB phía trước luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

2 khay gắn ổ cứng 3.5" luôn sẵn sàng hoạt động của Zidoo X20 Pro.

Mặc dù đã được trang bị quạt tản nhiệt phía sau nhưng 2 bên hông máy vẫn được thiết kế dạng xếp lớp, mục đích chính thường là để tản nhiệt tốt hơn. Vị trí bên hông cũng chính là nơi tiếp xúc gần nhất với 2 ổ cứng nếu chúng ta gắn vào trong. Có lẽ, nhà sản xuất muốn tản nhiệt cho cả bo mạch của máy cũng như ổ cứng bên trong.

Khe tản nhiệt bên hông.

Mặt sau của máy, nơi hầu hết các kết nối cần thiết đều tập trung ở đây

Mặt sau của Zidoo X20 Pro

Chi tiết về những cổng kết nối này :

  • 1 cổng HDMI 2.0 output đảm nhiệm việc xuất tín hiệu 4K 60Hz, passthouth âm thanh DTS-X và Dolby Atmos 7.1.
  • 1 cổng HDMI 1.4 (Audio Only) chỉ xuất audio, hỗ trợ tối đa DTS Master và True HD 5.1, nếu ai đang sở hữu TV 4K nhưng chưa muốn nâng cấp amply đa kênh thì sẽ cần cổng này.
  • 1 cổng HDMI 1.4 input, sử dụng để ghi lại video từ thiết bị khác.
  • 1 cổng Optical và 1 cổng Coaxial – xuất audio, tối đa DTS và Dolby Digital 5.1.
  • 1 cổng RCA output – Kết nối Analog cổ điển, dùng cho nghe nhạc, Karaoke.
  • 1 cổng XLR Balance xuất âm thanh Hi-Fi.
  • 1 cổng LAN Gigabits dùng để kết nối mạng có dây.
  • 1 cổng USB Type – C, đây là kết nối slave (output).
  • 1 cổng USB 3.0 – Hỗ trợ ổ cứng tối đa 14TB.
  • 1 cổng RS-232 sử dụng cho nhà thông minh.

Bên cạnh đó, cổng IR in và out cũng có tác dụng giúp chúng ta điều khiển máy từ khoảng cách xa mà không cần phải nhìn thấy thiết bị.

Khu vực chứa quạt tản nhiệt, cổng USB, cổng LAN và cổng HDMI của Zidoo X20 Pro.

 

Chi tiết hơn về 3 cổng HDMI của máy.

 

Các kết nối âm thanh, đặc biệt là sự xuất hiện của cổng XLR, vốn không thường thấy trên hầu hết các thiết bị Android Box.

Nhìn chung, số lượng cổng kết nối của Zidoo X20 Pro khá đầy đủ, đáp ứng được nhiều môi trường hoạt động khác nhau.

CẤU HÌNH

Zidoo X20 Pro sở hữu bộ vi xử lý Realtek RTD1296DD, bộ nhớ RAM lên tới 4GB chuẩn DDR4, đi kèm là bộ nhớ trong 32GB. Máy đang chạy trên hệ điều hành Android 7.1. WiFi và Bluetooth đều đầy đủ.

Nếu như bạn chưa biết thì hiện tại, không nhiều nhà sản xuất chip cao cấp còn mặn mà với thị trường đầu giải mã video cao cấp, do doanh số sụt giảm nghiêm trọng (Sigma đã ra đi và Oppo Digital với dòng đầu Bluray dùng chip Marvell hay Mediatek tùy biến cũng đã ngừng sản xuất). Cho tới thời điểm hiện tại Hisilicon (Trung Quốc) và Realtek (Đài Loan) là 2 tên tuổi nổi bật nhất còn sản xuất chip cho Media Player.

Reatek RTD1296DD là phiên bản nâng cấp của dòng SoC RTD1295 được hãng sản xuất Đài Loan tung ra vào năm ngoái, theo như công bố của nhà sản xuất thì dòng chip này là bản nâng cấp nhẹ từ mẫu SoC RTD1295 ra mắt năm 2017, chủ yếu cập nhật thêm 1 số tính năng tùy biến, nâng cấp phiên bản Android từ 6.0 lên 7.1 và hỗ trợ bộ nhớ RAM lớn hơn 2GB, cho hiệu suất hoạt động tốt hơn.

Zidoo X20 Pro hỗ trợ tất cả các định dạng video thông dụng hiện tại, bao gồm 4K ISO, BD-ISO, 3D-ISO,MKV,MP4,AVI,… với độ phân giải tối đa 4K 60Hz. Tất cả các định dạng audio cũng được giải mã trơn tru, bao gồm Dolby Atmos, DTS-X, TrueHD, DTS Master, Dolby Digital, DTS, …

Điểm đặc biệt là ngoài các định dạng audio phổ biến như FLAC, WAV,MP3,… máy còn hỗ trợ giải mã trực tiếp (native) nhạc DSD độ phân giải cao mà không phải convert qua PCM. Tất cả những điều trên thực sự là xa xỉ trong bối cảnh bản quyền số khó khăn như hiện nay.

Cuối cùng, Zidoo X20 Pro được trang bị bộ chuyển đổi âm thanh Digital to Analog chuyên nghiệp (DAC) của ESS (Mỹ), mang mã hiệu ESS SABER 9038Q2M. Thông thường, mọi đầu phát khác sẽ giải mã âm thanh bằng con chip tích hợp trên bộ xử lý SoC, nhưng Zidoo X20 Pro đã thửa riêng cho mình 1 chip DAC hàng hiệu danh tiếng nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe từ người dùng. Đây cũng là điểm sáng giá nhất trên sản phẩm này.

Mổ bụng xem linh kiện đầu phát cao cấp Zidoo X20 Pro.

Tuy nhiên, nhạc Karaoke không phải là 1 cái gì đó quá cao siêu khi so sánh với những bản nhạc Lossless, DSD độ phân giải siêu cao. Thậm chí 1 số người còn cho rằng: Karaoke thì có nhạc là được rồi ! Vậy, nếu dùng chip audio cao cấp để xử lý thì âm thanh có hay hơn không, hay chỉ là “giết gà bằng dao mổ trâu" ? 

Để giải đáp thắc mắc này, hãy cùng tìm hiểu hệ thống giao diện người dùng trước.

GIAO DIỆN NGƯỜI DÙNG

Cũng giống như các đầu phát cao cấp, mặc dù sử dụng nền tảng Android nhưng Zidoo X20 Pro đã tùy biến rất sâu vào hệ thống, tạo ra 1 giao diện mới tập trung chính vào tính năng phát lại nội dung đa phương tiện offline, những dấu tích của Android gần như không còn ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng. Bạn sẽ không cần quan tâm máy chạy Android phiên bản nào. Hiện nay, không nhiều nhà sản xuất làm được điều này. Mình nhận thấy hiện tại chỉ có Zidoo, Egreat, Himedia, Dune và Zappiti có giao diện hệ thống riêng biệt tối ưu hóa.

Giao diện chính của máy tập trung chính vào 4 yếu tố, đó là duyệt tệp tin từ ổ cứng hoặc mạng nội bộ, xem phim trong bộ sưu tập cá nhân, nghe nhạc độ phân giải cao, và mở các ứng dụng cài thêm.

Giao diện được nhà sản xuất thiết kế theo phong cách tối giản, mang tới ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Hiệu ứng chuyển tiếp giữa các tính năng cũng được chau chuốt khá đẹp mắt.

Tiếp tục vào tới cài đặt, để xem chúng ta có gì ở đây:

Phần lớn cài đặt đều thuộc về các tinh chỉnh âm thanh – hình ảnh.

Trong đó, điều nổi bật nhất có lẽ là khả năng tinh chỉnh màu sắc sáng tối theo ý thích người dùng

Bạn có thể tùy chỉnh được độ sáng, độ sắc nét, trong màu, và độ tương phản sao cho hợp mắt.

Rất nhiều tùy chọn chuyên nghiệp cho phần âm thanh.

Hết phần 1. Còn tiếp…….

Để lại bình luận của bạn:
icon

Vận Chuyển Toàn Thế Giới

Gửi hàng toàn Việt Nam và cả đi nước ngoài
icon

Hậu Mãi Tốt

Đổi trả hàng hóa nhanh chóng và dễ dàng
icon

Tiết kiệm thời gian

Thông tin minh bạch, rõ ràng trên website
icon

Tư vấn trực tiếp

Gọi thẳng cho chủ cửa hàng để nhận tư vấn tốt nhất
popup

Số lượng:

Tổng tiền: